Saturday, December 27, 2014

Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội là bao nhiêu?

Thực tiễn hiện tại là nhiều các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp lựa chọn mức đóng Bảo hiểm xã hội cho người lao động bằng mức lương tối thiểu, và thấp hơn tổng tiền lương thực trả hàng tháng. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng mức lương đóng Bảo hiểm xã hội phải là mức lương thực trả hàng tháng. Vậy nên hiểu mức lương đóng bảo hiểm theo quy định pháp luật hiện nay là như thế nào?


Nếu căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay thì ”tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động”.


Tuy nhiên theo Bộ luật Lao động 2012 có hiệu lực từ 01/07/2013 thì định nghĩa: Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.


Do đó, câu hỏi đặt ra là mức lương đóng bảo hiểm là bao nhiêu? Căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội hay Bộ luật Lao động?


Theo quan điểm của cá nhân tôi, hiện nay cơ quan Bảo hiểm xã hội vẫn đang chấp nhận khái niệm tiền lương theo định nghĩa của Luật Bảo hiểm xã hội vì lý do kinh tế nên nếu yêu cầu doanh nghiệp đóng 100% tiền lương sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, có thể làm phá sản doanh nghiệp. Quan trọng hơn về khái niệm ”các khoản bổ sung khác” là không cố định, thường xuyên biến động. Do đó cơ quan nhà nước cần lộ trình điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.


Thực ra về văn bản luật thì 2 luật Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động là tương đương, quy định 2 phạm vi khác nhau. Do đó không thể áp dụng định nghĩa của Bộ luật Lao động sang Luật Bảo hiểm xã hội trực tiếp được mà cần sửa Luật Bảo hiểm xã hội.


Căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội vừa được sửa đổi thì có quy định rằng “ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.


Đặc biệt Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có quy định là từ 01/07/2015, tiền lương đóng bảo hiểm là mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.
Còn từ 01/01/2018, Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Như vậy, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã tạo điều kiện để doanh nghiệp điều chỉnh dần ngân sách đóng Bảo hiểm xã hội. Tại thời điểm này vẫn áp dụng theo Luật Bảo hiểm xã hội. Đến 01/07/2015 sẽ điều chỉnh tính thêm là phụ cấp tiền lương.Nếu hiện nay, các doanh nghiệp đang sử dụng khái niệm phụ cấp trong hợp đồng lao động và phụ lục hợp đồng thì cần lưu ý điều chỉnh lại khái niệm này cho phù hợp. Doanh nghiệp nên đóng thêm bảo hiểm xã hội 1 phần và chia khoản phụ cấp hiện tại thành phụ cấp + các khoản bổ sung khác. Như vậy sẽ đỡ rủi ro hơn mà tăng thêm quyền lợi cho người lao động. Nếu không thì chuyển 100% phụ cấp thành “các khoản bổ sung khác”. Tuy nhiên từ 01/07/2015, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thắt chặt hơn đốn với việc phân chia này, và chắc chắn là doanh nghiệp áp dụng các phân chia này có thể sẽ gặp rủi ro bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.